Cao độ và trường độ âm thanh

Tự học đàn guitar
Bài số 2: Cao độ và trường độ âm thanh

I. Lý thuyết

Sau bài 1, các bạn đã có những kiến thức nhập môn về cây đàn guitar. Biết được các bài tập trên tay trái và tay phải rồi. Các bài tập bấm tập gảy này các bạn nên thường xuyên tập luyện hàng ngày mới có hiệu quả. Nhiều bạn thấy người ta chơi đàn nghe hay, ấm áp, thánh thót nên cũng mê tập nhưng khởi sự tập luyện thì thấy mình đánh nghe như dở hơi, chả ra bài vở gì ráo rồi sinh chán nản. Ở chỗ này tôi xin chia sẻ nhỏ là ai cũng như thế hết. Vận động viên điền kinh ban đầu cũng phải tập lẫy, tập bò, tập ngồi như ai. Nhưng trong tập đàn thì có cái hay là các bạn càng chăm chỉ tập đều đặn thì giai đoạn chán nản đó càng qua nhanh, cái hay ho càng mau đến.

Hôm nay tôi xin hướng dẫn các bạn một vài vấn đề có thể nói là không liên quan trực tiếp đến cây đàn và những kỹ thuật chơi đàn nhưng nó làm nền tảng cho các bạn trong việc học tập sau này trong âm nhạc nói chung. Bởi thế nên rất là quan trọng.

1. Cao độ

Tôi xin phép không trích dẫn sách nọ, định nghĩa kia mà nói nôm na về khái niệm này cho dễ hiểu. Cao độ tức là độ cao thấp của âm thanh.

Trước khi nói tiếp về cao độ, xin nói qua một câu chuyện khác về các hình nốt cơ bản trong âm nhạc. Trước đây âm nhạc của ông bà tổ tiên ta chỉ có 5 nốt gọi tên là: Hồ, Xừng, Sang, Xê, Líu. Đến khi người Âu đến nước ta thì ta mới theo âm nhạc của họ. Âm nhạc hiện nay ta đang giảng dạy trong các trường nhạc với các nốt đồ, rê, mi, fa, son là âm nhạc phương Tây truyền vào.

Trong âm nhạc phương Tây, người ta lấy 7 hình nốt cơ bản là: La, Xi, Do, Re, Mi, Fa, Son và ký hiệu cho các nốt đó từ A đến G. Có nghĩa là La (A), Xi (B), Do (C), Re (D), Mi (E), Fa (F), Son (G).

7 nốt nhạc này được sắp theo vị trí như trên là chuẩn. Có nghĩa là cứ sau La thì đến xi, do, re, mi, fa, son mà sau re thì phải đến mi, fa, son, la, xi, do... Cái này yêu cầu phải thuộc lòng có thể đọc xuôi đọc ngược được ngay khi nghĩ đến ở bất kỳ nốt nhạc nào. Ví dụ nghĩ đến nốt do có thể đọc xuôi được thành do, re, mi, fa, son, la, xi hoặc ngược lại là do, xi, la, son, fa, mi, re.

Cần phải thuộc làu như vậy để một thời gian nữa khi học đến việc chuyển giọng cho bài hát thì thuận lợi cho việc tính toán khoảng cách giữa các gam.

Bây giờ trở lại câu chuyện cao độ. Ta đã nói rằng cao độ là độ cao thấp của âm thanh. Vậy bây giờ lấy ví dụ nhé. Nốt la ở trước nốt xi vậy nốt xi cao hơn nốt La còn nốt la thấp hơn nốt xi. Theo thứ tự từ A đến G thì cứ nốt nào đứng sau thì cao hơn nốt đứng trước nó.

2. Trường độ

Trường độ là độ dài ngắn của âm thanh. Khi bạn đánh lên một nốt nhạc nếu bạn để nó ngân 10 giây rồi mới đánh nốt tiếp theo thì tức là trường độ của nó là 10 giây. Tất nhiên trong thực tế thì tiếng đàn guitar ngân được rất ngắn thôi chứ không phải thích ngân cả phút cũng được (:D).

Trong lúc chơi đàn chúng ta không dùng đơn vị đồng hồ để đếm trường độ mà thường là dùng số lần đập bàn chân. Khởi đầu ta nhấc mũi bàn chân lên chỉ để gót chạm đất rồi đập bàn chân xuống đất và nhấc lại vị trí cũ. Một lần đập xuống rồi nhấc lên như vậy ta gọi là một phách.

Ký hiệu cho trường độ ở trong bản nhạc như sau. Nốt tròn là ngân lâu nhất. Một nốt tròn bằng hai nốt trắng, bằng 4 nốt đen, bằng 8 móc đơn, 16 móc đôi, 32 móc ba, 64 móc bốn.
Đây là hình minh họa việc phân chia trường độ nhưng ở đây mới chỉ phân chia đến nốt móc đôi.

Người ta cũng lấy nốt đen bằng giá trị một cái đập chân. Như thế thì khi gặp nốt tròn các bạn đánh rồi đập 4 đập mới đánh qua nốt khác. Tương tự trắng thì 2 đập, đen thì 1 đập, móc đơn thì nửa đập nghĩa là đập chân xuống đất đánh một nốt lúc nhấc chân lên đánh tiếp nốt nữa. Móc đôi thì trong một đập phải đánh 3 nốt. Móc 3 thì trong nửa đập phải đánh 4 nốt. Trong kỹ thuật chơi đàn guitar thường chỉ gặp đến nốt móc 3 trong những khi sử dụng kỹ thuật tremolo thôi.

II. Thực hành

Ở trên tôi đã trình bày một cách giản lược về hai khái niệm cao độ và trường độ trong âm nhạc. Tôi hứa sẽ viết các bài đọc thêm kế sau bài này để trình bày rõ thêm về những vấn đề xung quanh cho các bạn hiểu thêm. Bây giờ là đến những bài tập để các bạn ứng dụng hai lý thuyết vừa học.

Trong Bài số 1, các bạn đã tập bài tập tổng hợp ngón bấm và ngón gảy. Bây giờ các bạn tiếp tục sử dụng ngay bài đó để tập trường độ. Để đơn giản các bạn tập nốt đen trước. Cứ đánh một nốt thì đập một đập. Lưu ý là phải làm sao cho khoảng thời gian giữa các lần đập xuống bằng nhau. Bạn nào còn chưa bấm tay trái và gảy tay phải thuần thục thì sẽ thấy hơi ngượng nghịu vì phải kết hợp thêm cái bàn chân đập nữa.
Nếu như thế thì hãy tập lại cho ngón bấm tay trái và ngón gảy tay phải thuần thục đã rồi hãy kết hợp thêm bàn chân. Khi các bạn chân đập, tay nọ bấm tay kia gảy mà lưu loát không vướng bận gì thì đã đạt được thành công một bước. Lúc này tập thêm các loại nốt ngắn hơn như nốt móc đơn hoặc các nốt dài hơn như nốt trắng chẳng hạn.

Đến đây các bạn đã hiểu được thế nào là trường độ rồi. Sự chuẩn bị này tốt đẹp thì sẽ thu được thành quả mau chóng và chắc chắn ở bước tiếp theo. Chúc các bạn luyện tập hiệu quả.
Cao độ và trường độ âm thanh Cao độ và trường độ âm thanh Reviewed by Tran Vu on 10:51 PM Rating: 5

2 comments

  1. Học Cao độ và trường độ âm thanh trong dem hat guitar không hề đơn giản. Vì vậy mà muốn học thì cần có một giáo viên kèm thì mới có hiệu quả được. Cảm ơn bài chia sẻ của add nhé!

    ReplyDelete
  2. Hay Viet them nhieu bai nua xin cam on

    ReplyDelete

Featured Video